Điện thoại, máy tính uốn cong liên tục được nhắc đến nhưng chưa thể xuất hiện do bảng mạch làm bằng chất liệu cứng. Tuy nhiên, sự ra đời của vi xử lý bằng nhựa dẻo đầu tiên trên thế giới cho thấy giấc mơ sắp thành hiện thực.
Silicon đóng vai trò quan trọng trong máy tính, nhưng tính chất cứng và thiếu linh hoạt khiến nó chưa thể đưa con người vào kỷ nguyên "điện toán mọi lúc mọi nơi". Các nhà nghiên cứu châu Âu đã tạo ra bộ vi xử lý dẻo với kích thước 2 cm vuông gồm một lớp điện cực bằng vàng đặt trên cùng, tiếp theo là lớp cách điện bằng nhựa, rồi lại đến một lớp điện cực vàng và cuối cùng là lớp bán dẫn được tạo từ 4.000 bóng bán dẫn (transistor) hữu cơ. Transistor hữu cơ đã được dùng trong một số màn hình LED và thiết bị RFID nhưng chưa từng xuất hiện trên một bộ vi xử lý máy tính.
|
Bộ vi xử lý được làm từ chất liệu hữu cơ hiện có tốc độ chậm nhưng linh hoạt và chi phí thấp. Ảnh: IMEC. |
"So với việc sử dụng silicon, phương pháp này rẻ hơn và linh hoạt hơn", nhà khoa học Jan Genoe thuộc trung tâm công nghệ nano IMEC (Bỉ) nhận xét.
Chip này chỉ có thể chạy chương trình đơn giản 16 lệnh, tốc độ 6 Hz, chậm hơn cả triệu lần so với hệ thống desktop trên thị trường và xử lý thông tin 8 bit so với 128 bit trên bộ vi xử lý hiện đại. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cần thu nhỏ kích cỡ bóng bán dẫn hưu cơ để có thể được ứng dụng ở những nơi silicon không thể vươn tới.
Một phát minh quan trọng khác đến từ Đại học Minnesota (Mỹ). Trường này mới đây đã trình diễn bộ nhớ DRAM hữu cơ có thể uốn cong đầu tiên với kích cỡ 24 mm vuông, được tạo từ vài lớp mực hữu cơ và lưu thông tin 64 bit.
|
|
Màn hình OLED cùng chip và bộ nhớ dẻo giúp điện thoại, máy tính uốn cong không còn là điều viển vông. |
Hiện nay, các nhà khoa học đang tìm cách để kết hợp bộ vi xử lý và bộ nhớ hữu cơ cũng như cắt giảm chi phí sản xuất. "Do đây là kỹ thuật mới, chúng tôi chưa thể đảm bảo chúng có thể hoạt động cùng nhau", Genoe cho hay. "Nhưng trong tương lại, mọi thứ đều có thể xảy ra".
vnexpress